Từ 11/01/2021: Người dân được đốt pháo hoa nhưng không gây tiếng nổ (Infographic)


Chính phủ vừa ban hành Nghị định 137/2020/NĐ-CP quy định về quản lý, sử dụng pháo. Theo đó, người dân, doanh nghiệp ĐƯỢC SỬ DỤNG LOẠI PHÁO HOA KHÔNG GÂY TIẾNG NỔ trong một số trường hợp nhất định từ 11/01/2021.

Pháo hoa không tiếng nổ là gì? Mua pháo hoa không gây tiếng nổ ở đâu, ai bán? Người dân được đốt pháo bông vào dịp nào, ở đâu? Ai được phép bán pháo hoa, giá bao nhiêu? Khi nào bắt đầu được bắn pháo hoa năm mới 2021 Tân Sửu? Mời bạn xem qua infographic về thông tin được bắn pháo hoa không tiếng nổ bắt đầu từ ngày 11/1/2021.

Từ 11/01/2021: Người dân được đốt pháo hoa nhưng không gây tiếng nổ (Infographic)

Infographic: Từ 11/01/2021 Người dân được đốt pháo hoa nhưng không gây tiếng nổ!

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo (Nghị định 137), có hiệu lực thi hành từ ngày 11-01-2021, thay thế Nghị định số 36/2009/NĐ-CP ngày 15-4-2009 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo. Nghị định 137 đưa ra một số điểm mới phù hợp tình hình thực tế trong công tác quản lý nhà nước về pháo và đấu tranh phòng, chống tội phạm liên quan.

Đáng chú ý, một nội dung trong Nghị định 137 được nhiều người dân quan tâm là việc cho phép cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân chỉ cần có năng lực hành vi dân sự đầy đủ sẽ được sử dụng pháo hoa (pháo bông) trong dịp lễ, Tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa nghệ thuật. Nhiều người dân khi tiếp cận thông tin này tỏ ra ủng hộ vì cho rằng đây là nhu cầu thiết thực, nhưng cũng có ý kiến bày tỏ lo ngại về nguy cơ mất an toàn cháy nổ, ô nhiễm, mất an ninh, trật tự. Một bộ phận người dân cũng đang hiểu nhầm việc cho phép đốt pháo hoa đồng nghĩa với việc được đốt tất cả các loại pháo hoa. Việc hiểu không kỹ, hiểu sai bản chất của Nghị định 137 sẽ vô tình khiến nhiều người có thể vi phạm pháp luật, dẫn tới bị xử lý hình sự.

Theo Bộ Công an, Nghị định 137 quy định về các trường hợp được sử dụng pháo hoa nhưng là loại pháo được sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, dưới tác động của xung kích thích cơ nhiệt hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, mầu sắc, ánh sáng trong không gian và không có tiếng nổ, loại pháo hoa này tuyệt đối không có thuốc nổ, không gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của con người. Còn loại pháo hoa nổ trước kia gọi là pháo hoa, nay gọi là pháo hoa nổ hay pháo nổ thì dưới tác động của xung kích thích cơ nhiệt hoặc điện tạo ra tiếng rít, tiếng nổ và tạo hiệu ứng, ánh sáng mầu sắc trong không gian. Loại này hoàn toàn bị nghiêm cấm sử dụng. Nếu sử dụng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Bộ Công an cũng cho biết, Nghị định 137 quy định, người dân sử dụng pháo hoa phải “có đầy đủ năng lực hành vi dân sự”, có nghĩa là người từ đủ 18 tuổi trở lên, không bị bệnh tâm thần, không bị tòa án tuyên mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự. Bên cạnh đó, chỉ tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng mới được kinh doanh pháo hoa.

Người dân chỉ được mua pháo hoa từ tổ chức, doanh nghiệp của Bộ Quốc phòng bán ra.

Như vậy, để tránh gây sự nhầm lẫn trong xã hội, Bộ Công an cần có văn bản chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tổ chức quán triệt triển khai Nghị định 137, tuyên truyền để người dân hiểu rõ và thống nhất về các quy định của pháp luật liên quan quản lý pháo, giúp người dân nhận thức rõ thế nào là pháo hoa có tiếng nổ và không có tiếng nổ, loại pháo hoa được sử dụng và loại pháo hoa bị cấm; bảo đảm an toàn cháy, nổ khi sử dụng loại pháo hoa được cho phép… Bên cạnh đó, những năm gần đây tình hình mua bán, vận chuyển và sử dụng pháo trái phép còn diễn biến phức tạp. Việc Nghị định 137 bị hiểu sai, làm khác có thể sẽ là cơ hội để các đối tượng xấu lợi dụng nhằm buôn bán lậu pháo hoa. Vì vậy, công an các địa phương cần phối hợp lực lượng chức năng quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh pháo hoa được cấp phép, xử lý nghiêm hành vi nhập lậu, sản xuất, buôn bán, sử dụng trái phép pháo nổ…


Countdown to TET Holiday 2025


NGHỊ ĐỊNH 137/2020/NĐ-CP – QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về quản lý, sử dụng pháo, thuốc pháo; nguyên tắc, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý, sử dụng pháo, thuốc pháo nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền con người, quyền công dân và phục vụ phát triển kinh tế – xã hội.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân liên quan đến quản lý, sử dụng pháo, thuốc pháo.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Pháo là sản phẩm có chứa thuốc pháo, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra phản ứng hóa học nhành, mạnh, sinh khí, tạo ra hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, gây ra tiếng nổ hoặc không gây ra tiếng nổ. Pháo bao gồm: Pháo nổ, pháo hoa.

a) Pháo nổ là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra tiếng nổ hoặc gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian;

Pháo nổ gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian được gọi là pháo hoa nổ;

Pháo hoa nổ tầm thấp là quả pháo có đường kính không lớn hơn 90 mm hoặc tầm bắn không vượt quá 120 m. Pháo hoa nổ tầm cao là quả pháo có đường kính trên 90 mm hoặc tầm bắn trên 120 m;

b) Pháo hoa là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ.

2. Thuốc pháo, bao gồm:

a) Thuốc pháo nổ là sản phẩm trực tiếp dùng để sản xuất pháo nổ, dưới tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra phản ứng hóa học nhanh, mạnh, tỏa nhiệt, sinh khí và tạo ra áp suất lớn gây ra tiếng nổ;

b) Thuốc pháo hoa là sản phẩm trực tiếp dùng để sản xuất pháo hoa, dưới tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra phản ứng hóa học nhanh, mạnh, tỏa nhiệt, sinh khí và hiệu ứng ánh sáng màu sắc nhưng không gây ra tiếng nổ.

3. Bắn pháo hoa nổ tầm thấp là việc sử dụng thiết bị kỹ thuật chuyên dụng để đẩy quả pháo hoa nổ lên độ cao không vượt quá 120 m. Bắn pháo hoa nổ tầm cao là việc sử dụng ống phóng chuyên dụng và thiết bị bắn để đẩy quả pháo hoa nổ lên độ cao trên 120 m.

Điều 4. Nguyên tắc quản lý, sử dụng pháo, thuốc pháo

1. Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Việc quản lý, sử dụng pháo hoa, pháo hoa nổ, thuốc pháo phải bảo đảm đúng mục đích, đúng quy định vả bảo đảm an toàn, bảo vệ môi trường.

3. Người quản lý, sử dụng pháo hoa, pháo hoa nổ, thuốc pháo phải bảo đảm đủ điều kiện theo quy định.

4. Pháo hoa, pháo hoa nổ, thuốc pháo và các loại giấy phép bị mất, hư hỏng phải kịp thời báo cáo cơ quan quản lý có thẩm quyền.

5. Pháo hoa, pháo hoa nổ, thuốc pháo khi không còn nhu cầu, hết hạn sử dụng, không còn khả năng sử dụng phải được tiêu hủy theo quy định.

6. Việc tiêu hủy pháo, thuốc pháo phải bảo đảm đúng trình tự, an toàn, bảo vệ môi trường và theo quy định của pháp luật.

Điều 5. Các hành vi bị nghiêm cấm

1. Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt pháo nổ; trừ trường hợp tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, cung cấp, vận chuyển, sử dụng pháo hoa nổ theo quy định tại Nghị định này.

2. Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép pháo hoa, thuốc pháo.

3. Mang pháo, thuốc pháo trái phép vào, ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc vào nơi cấm, khu vực cấm, khu vực bảo vệ và mục tiêu bảo vệ.

4. Lợi dụng, lạm dụng việc sử dụng pháo để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

5. Trao đổi, tặng, cho, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố pháo hoa nổ hoặc thuốc pháo để sản xuất pháo trái phép; vận chuyển, bảo quản, tiêu hủy pháo không bảo đảm an toàn hoặc làm ảnh hưởng đến môi trường.

6. Chiếm đoạt, mua, bán, trao đổi, tặng, cho, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, làm giả, sửa chữa, tẩy xóa các loại giấy phép về pháo.

7. Giao pháo hoa nổ, thuốc pháo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện theo quy định.

8. Hướng dẫn, huấn luyện, tổ chức huấn luyện cách thức chế tạo, sản xuất, sử dụng trái phép pháo dưới mọi hình thức.

9. Cố ý cung cấp thông tin sai lệch về quản lý, bảo quản pháo, thuốc pháo; không báo cáo hoặc báo cáo không kịp thời, che giấu hoặc làm sai lệch thông tin về việc mất, thất thoát, tai nạn, sự cố về pháo, thuốc pháo.

Điều 6. Quản lý, bảo quản pháo, thuốc pháo

1. Việc quản lý, bảo quản pháo hoa, pháo hoa nổ, thuốc pháo phải bảo đảm các điều kiện sau đây:

a) Bảo đảm các điều kiện về an ninh, trật tự, an toàn, phòng cháy và chữa cháy theo quy định;

b) Kho cất giữ, bảo quản pháo hoa, pháo hoa nổ, thuốc pháo phải bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn, phòng cháy, chữa cháy, chống sét, kiểm soát tĩnh điện và bảo vệ môi trường theo quy định, quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc gia và các quy định của pháp luật có liên quan;

c) Kho cất giữ, bảo quản pháo hoa, pháo hoa nổ, thuốc pháo phải có nội quy, quy định về bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn, phòng cháy và chữa cháy; có phương án bảo vệ, bố trí lực lượng bảo vệ và tổ chức canh gác 24/24 giờ; kiểm tra, kiểm soát điều kiện bảo đảm an ninh, an toàn, phòng cháy, chữa cháy đối với người, phương tiện ra, vào và làm việc trong khu vực kho; có biển cấm, biển báo, chỉ dẫn các quy định liên quan đến công tác an toàn, phòng chống cháy, nổ; niêm yết quy trình sắp xếp, bảo quản, xuất, nhập; kế hoạch ứng cứu khẩn cấp; phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; phương án bảo đảm an ninh, trật tự và kế hoạch hoặc biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất; trang bị đầy đủ phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy.

2. Đối với pháo, thuốc pháo thu giữ từ các vụ án, vụ việc và cơ quan, tổ chức, cá nhân giao nộp phải quản lý, bảo quản chặt chẽ theo quy định của pháp luật; kho cất giữ phải bảo đảm theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều này.

3. Quá trình bốc xếp, vận chuyển, bảo quản pháo, thuốc pháo tránh va chạm mạnh, tránh xa các nguồn nhiệt, điện; tuyệt đối cấm lửa hoặc các vật dụng có thể gây ra lửa, tia lửa.

Điều 7. Tiêu hủy pháo, thuốc pháo

1. Việc tiêu hủy pháo, thuốc pháo phải bảo đảm tuyệt đối an toàn, làm mất hoàn toàn tính năng, tác dụng, không thể khôi phục lại trạng thái ban đầu, phải tuân thủ đúng quy trình, quy định được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Thủ trưởng cơ quan Quân sự cấp huyện hoặc Công an cấp huyện trở lên phê duyệt phương án gồm: Thời gian, địa điểm, phương pháp, cách thức tiêu hủy, thành phần Hội đồng tham gia tiêu hủy, biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố trong quá trình tiêu hủy và hạn chế ảnh hưởng đến môi trường. Địa điểm tiêu hủy phải biệt lập, cách xa nơi dân cư, công trình công cộng và hạn chế ảnh hưởng đến môi trường.

3. Phương pháp tiêu hủy

a) Đối với các loại pháo, vỏ bằng vật liệu không chịu nước thì phải tháo bỏ hộp, giấy bảo quản, sau đó ngâm vào nước cho đến khi vỏ và thành phẩm tách rời nhau. Tiến hành vớt các vật liệu bằng giấy, bìa, cặn không tan trong nước để riêng, đem phơi khô và tiêu hủy bằng cách đốt hoặc chôn lấp; đối với nước có chứa hóa chất còn lại phải chôn lấp tại các địa điểm đã được Thủ trưởng cơ quan Quân sự cấp huyện hoặc Công an cấp huyện trở lên phê duyệt;

b) Đối với các loại pháo, vỏ bằng vật liệu chịu nước thì phải tháo bỏ tách riêng phần vỏ và thuốc pháo. Đối với vỏ thì tiêu hủy bằng cách đốt hoặc chôn lấp; thuốc pháo phải ngâm vào nước cho đến khi thuốc pháo ngậm đủ nước làm mất tính năng nổ, cặn không tan đem phơi khô và tiêu hủy bằng cách đốt hoặc chôn lấp tại các địa điểm đã được Thủ trưởng cơ quan Quân sự cấp huyện hoặc Công an cấp huyện trở lên phê duyệt;

c) Đối với thuốc pháo thực hiện như tiêu hủy thuốc pháo quy định tại điểm b khoản này.

4. Trình tự, thủ tục tiêu hủy

a) Sau khi có quyết định tiêu hủy của cơ quan có thẩm quyền, cơ quan Quân sự cấp huyện hoặc cơ quan Công an cấp huyện trở lên phải thành lập Hội đồng tiêu hủy và xây dựng phương án tiêu hủy. Thành phần Hội đồng tiêu hủy bao gồm: Đại diện cơ quan tiêu hủy là Chủ tịch Hội đồng; đại diện cơ quan kỹ thuật chuyên ngành và cơ quan thực hiện quản lý nhà nước về môi trường cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có địa điểm tiêu hủy là thành viên Hội đồng. Phương án tiêu hủy phải bảo đảm tuyệt đối an toàn, hạn chế ảnh hưởng đến môi trường;

b) Sau khi tiêu hủy, phải tiến hành kiểm tra lại hiện trường, bảo đảm tất cả pháo tiêu hủy đã bị làm mất khả năng phục hồi tính năng, tác dụng. Kết quả tiêu hủy phải được lập thành biên bản, có xác nhận của Chủ tịch và các thành viên Hội đồng.

5. Trường hợp pháo, thuốc pháo do các tổ chức, doanh nghiệp trong quá trình sản xuất còn tồn đọng, hư hỏng, hết hạn sử dụng thì người đứng đầu tổ chức, doanh nghiệp tổ chức thực hiện tiêu hủy pháo, thuốc pháo theo quy trình tại địa điểm được cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Quốc phòng phê duyệt. Sau khi tiêu hủy phải báo cáo kết quả về cơ quan Quân sự, cơ quan Công an trực tiếp quản lý, cấp giấy phép.

Điều 8. Giám định tư pháp về pháo, thuốc pháo

1. Cơ quan có thẩm quyền giám định tư pháp về pháo, thuốc pháo, bao gồm:

a) Viện Khoa học hình sự thuộc Bộ Công an;

b) Phòng Kỹ thuật hình sự thuộc Công an cấp tỉnh;

c) Phòng Giám định Kỹ thuật hình sự thuộc Bộ Quốc phòng.

2. Trình tự, thủ tục giám định pháo, thuốc pháo thực hiện theo quy định của Luật Giám định tư pháp và Bộ luật Tố tụng hình sự.

Điều 9. Trường hợp được sử dụng pháo hoa, pháo hoa nổ

1. Pháo hoa, pháo hoa nổ được sử dụng theo quy định tại Điều 11 và Điều 17 Nghị định này.

2. Các cơ quan, tổ chức sử dụng pháo hoa nổ để biểu diễn, thi đấu phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép và do tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được giao nhiệm vụ sản xuất, cung cấp.

Nguồn: Tổng hợp từ Internet